Khám phá – Bài học thành công của Bỉ trong công tác phân loại, tái chế rác thải

Bỉ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải đứng đầu thế giới (khoảng 80%). Ngay từ những năm 2000, Bỉ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh tái sử dụng, tái chế chất thải, ngăn chặn lượng chất thải phát sinh ra môi trường. Nhờ đó mà công tác quản lý chất thải của Bỉ đã đạt được hiệu quả cao, trở thành hình mẫu cho các nước trên thế giới học tập, áp dụng.

Năm 1981, Chính phủ Bỉ đã ban hành Nghị định về Quản lý chất thải đầu tiên, trong đó đặt ra những mục tiêu cụ thể cho việc xử lý, phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt. Đầu những năm 1990, Bỉ đã nỗ lực cải thiện công tác phân loại chất thải và đưa ra lệnh cấm đốt rác tái chế, cấm vận chuyển chất thải có thể tái chế; đồng thời, ban hành Đạo luật liên bang nhằm ngăn chặn việc gia tăng chất thải, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Với các chính sách đó, Chính phủ Bỉ đã triển khai chiến lược quản lý chất thải theo từng giai đoạn cụ thể: Đầu tiên là ngăn chặn việc phát sinh chất thải; tiếp theo là tái sử dụng và tái chế chất thải; cuối cùng, nếu không thể tái chế, phải xử lý chất thải theo cách ít tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng nhất, ưu tiên đốt rác phát điện. Ngoài ra, Chính phủ Bỉ cũng tăng cường quản lý vật liệu bền vững bằng cách hạn chế phát sinh chất thải từ các công đoạn sản xuất; thực hiện biện pháp tiết kiệm nguyên liệu thô và năng lượng; triển khai các chiến dịch tuyên truyền, kêu gọi, khuyến khích mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Với mục tiêu hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải, giảm thiểu áp lực lên môi trường, Bỉ đã đưa ra các công cụ quản lý hiệu quả như thuế, phí tái chế chất thải, giấy phép môi trường… nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất. Trong đó có rất nhiều loại thuế áp dụng cho các loại chất thải khác nhau như thuế thu gom vật liệu hữu cơ; thuế thu gom chai nhựa, bao bì kim loại và thùng đồ uống; thuế thu gom giấy, bìa các tông, chai thủy tinh. Đặc biệt, Bỉ đã ban hành Đạo luật Thuế sinh thái đối với các mặt hàng như hộp đựng đồ uống, một số bao bì, máy ảnh và pin dùng một lần; áp dụng nhãn tiêu chuẩn đối với những sản phẩm đáp ứng các tiêu chí môi trường, xã hội; xuất bản hướng dẫn mua sắm xanh.

Bên cạnh đó, Bỉ cũng triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy thu gom, tái chế rác thải. Cụ thể, Chính phủ Bỉ yêu cầu mỗi vùng và xã phải thiết lập một hệ thống thu gom rác thải riêng, rác thải sinh hoạt được thu gom mỗi tuần một lần. Các địa phương hình thành mạng lưới cửa hàng và trung tâm tái sử dụng chất thải, tại đó, hàng hóa bị loại bỏ được sắp xếp, kiểm tra, làm sạch và được bán lại với giá hợp lý. Một số cửa hàng tái sử dụng sản phẩm đã phát triển thành cửa hàng bách hóa lớn chuyên bán các đồ nội thất, quần áo, sách, đồ gia dụng, thiết bị điện, đồ chơi…

Để có sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác tái sử dụng, tái chế rác thải, Chính phủ Bỉ đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về phân loại, tái chế rác thải cho mỗi người dân; kêu gọi người dân thực hiện ủ phân hữu cơ tại gia đình. Mỗi hộ gia đình sẽ được cung cấp lịch thu gom rác thải để theo dõi ​​khi đổ rác và được trang bị thùng ủ phân. Nhằm phân biệt các loại rác thải, các gia đình phải sử dụng túi đựng rác với nhiều màu sắc khác nhau. Theo đó, túi màu vàng được sử dụng để chứa các sản phẩm giấy, bao gồm báo cũ, tờ rơi, áp phích quảng cáo và hộp các tông đã qua sử dụng; túi màu xanh dương được sử dụng để thu gom các sản phẩm nhựa, vật liệu nhựa, hộp sữa, chai nước giải khát; túi màu xanh lá cây được sử dụng chứa các cành cây, lá rụng, cỏ cắt trong vườn; túi màu cam là rác thực phẩm, rau quả, trái cây; túi màu trắng được sử dụng để lưu trữ các loại rác thải khác không thể tái chế. Riêng đối với pin đã qua sử dụng, người dân sẽ thu gom pin vào túi riêng do Tổ chức Bebat cung cấp (Bebat là một tổ chức xã hội chịu trách nhiệm thu gom pin đã qua sử dụng), sau đó mang đến điểm thu gom của Bebat, trên khắp nước Bỉ, Bebat có 24.000 điểm thu gom. Sau khi thu gom pin, Bebat sẽ đem các pin thải đến các trung tâm tháo dỡ nhằm thu hồi một số vật liệu từ pin để tái sử dụng như các bon, nhựa, kim loại.

Tất cả các loại rác thải sẽ được phân loại gọn gàng, sau đó, thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động, người dân sẽ biết được thời gian thu gom rác hàng tuần, điểm phân bố thùng rác xung quanh nơi cư trú để mang đến đó. Bằng cách này, quá trình thu gom rác sẽ được tối ưu hóa, tuy nhiên, để thực hiện được điều này, đòi hỏi mọi người dân phải tự giác và tuân thủ nghiêm các quy định về phân loại, tái chế rác thải. Nếu gia đình nào mà không phân loại rác, hoặc phân loại không đúng, các đơn vị thu gom rác sẽ đặt biển cảnh báo trên túi rác và yêu cầu phân loại lại. Gia đình nào vẫn “cố tình” sai phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 60 Euro – 600 Euro.

Để nâng cao nhận thức của người dân về quản lý chất thải, Chính phủ tổ chức các khóa học chuyên biệt về phân loại rác thải cho người dân, các tổ chức xã hội, những người làm nhiệm vụ thu gom rác và đặc biệt là trẻ em; tiến hành các cuộc thăm quan, khảo sát nhà máy xử lý rác thải của địa phương. Các cơ quan chức năng cũng phối hợp với tất cả các trường học trên cả nước tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức về phân loại rác cho các em học sinh theo từng cấp bậc để giúp các em hiểu được tầm quan trọng của công tác BVMT. Đối với doanh nghiệp, Chính phủ Bỉ kêu gọi các doanh nghiệp hạn chế phát sinh chất thải và sử dụng phần mềm tính toán Ecolizer để đánh giá tác động từ sản phẩm mà họ sản xuất ra đối với môi trường, từ đó có giải pháp điều chỉnh, thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường. Mặt khác, Chính phủ Bỉ cũng khuyến khích người dân đưa ra các sáng kiến tái sử dụng, tái chế rác thải và hỗ trợ kinh phí để triển khai các sáng kiến như phần mềm Ecolizer; chất tẩy rửa thân thiện với môi trường, đèn tiết kiệm năng lượng, máy sấy quần áo tiết kiệm năng lượng; xây dựng mạng lưới sinh thái Eco để đưa ra các khuyến nghị về tiêu dùng bền vững… Tiêu biểu là sáng kiến phần mềm “Sự kiện xanh” – một hệ thống quản lý trên website đối với các sự kiện, giúp đơn vị tổ chức đánh giá chính xác mức độ rác thải trong sự kiện đó, từ đó tìm ra những giải pháp để giảm thiểu số lượng rác thải, hoặc tìm đến những địa điểm cho thuê đồ cũ để tái sử dụng tại sự kiện đó.

Nhờ những biện pháp nêu trên, đến năm 2016, tỷ lệ tái chế các loại bao bì rác thải sinh hoạt tại Bỉ đạt mức cao tới 87,4%, tỷ lệ tái sử dụng rác thải sinh hoạt đạt 90% (theo Công ty thu thập và tái chế chất thải Fost Plus), đưa nước này lên vị trí số một châu Âu trong lĩnh vực tái chế rác thải sinh hoạt. Với nỗ lực trở thành “nước không rác thải”, trong nhiều năm qua, Bỉ đã và đang là hình mẫu tiêu biểu của thế giới trong công tác quản lý, tái chế rác thải, đem đến môi trường Xanh – Sạch – Đẹp, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí sản xuất, cũng như hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phương Tâm

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2020)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *